Tăng tính minh bạch, giảm rủi ro từ chụp ảnh khi công chứng

19/07/2025 19:05 47

Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định việc chụp ảnh khi công chứng là một phần của hồ sơ công chứng. Đây là bước tiến mới trong việc tăng cường tính minh bạch, phòng ngừa rủi ro, gian lận và bảo vệ quyền lợi cho các bên trong giao dịch dân sự.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, Luật Công chứng năm 2024 quy định, việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng.

Sau hơn hai tuần triển khai trên thực tế, quy định này được nhiều người đánh giá mang lại những kết quả tích cực.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Văn phòng công chứng Việt (219 Nguyễn Ngọc Vũ, thành phố Hà Nội), lượng người dân đến yêu cầu công chứng khá đông. Khi được hỏi về quy định bắt buộc phải chụp ảnh với Công chứng viên, chị Hoàng Thu Phương (phường Yên Hòa, thành phố Hà Nội) cùng nhiều người dân khác bày tỏ sự đồng thuận, an tâm với quy định này, bởi sẽ tăng tính công khai minh bạch, tránh những trường hợp giả mạo hay tiêu cực xảy ra trong quá trình công chứng.

cong-chung-viet-2-chuan-1743.jpg

Người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng công chứng Việt. (Ảnh: TH)

Chị Phương cho hay, trước khi chụp ảnh, chị đã được công chứng viên, cán bộ Văn phòng công chứng tuyên truyền, giải thích đây là quy định của pháp luật và việc chụp ảnh này bảo đảm tính công khai minh bạch, rõ ràng, tránh những trường hợp giả mạo có thể xảy ra trong quá trình công chứng.

Ông Trần Văn Chỉnh, Công chứng viên Văn phòng công chứng Việt nhận định, việc quy định chụp hình ảnh khi công chứng là bước đột phá trong quy định của pháp luật và điều này là thực sự cần thiết để tránh những trường hợp tranh cãi sau này khi phát sinh tranh chấp xảy ra, giúp các bên tham gia giao dịch yên tâm hơn khi đã có bằng chứng trực quan.

Ông Chỉnh cho biết, đối với Văn phòng công chứng Việt, những giao dịch buộc phải chụp ảnh công chứng viên chứng kiến việc ký văn bản công chứng được Văn phòng công chứng thực hiện 100%.

Hầu hết người dân khi được yêu cầu chụp ảnh đều đồng tình ủng hộ. Trước tình trạng một số người dân chưa quen, tỏ ra lo ngại hình ảnh của mình đang giao dịch bị người khác biết thì các Công chứng viên đều giải thích rõ cho khách hàng đây là quy định của pháp luật. Cụ thể, việc chụp ảnh chỉ để lưu trữ trong hồ sơ công chứng, không công khai; hình ảnh của khách là một phần trong hồ sơ công chứng và tổ chức, cá nhân hoạt động nghề nghiệp phải bảo đảm tính bảo mật nên khách hàng đã yên tâm thực hiện.

chup-anh-cong-chung-viet-7969.jpg

Việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên Trần Văn Chỉnh được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng. (Ành: TH)

Công chứng viên Trần Văn Chỉnh chia sẻ: Bên cạnh phòng ngừa xảy ra tranh chấp, hình ảnh được chụp sẽ giúp phòng ngừa rủi ro cho chính Công chứng viên và Văn phòng công chứng. Bởi khi khách hàng chối bỏ đã ký giao dịch, tố cáo, tố giác Công chứng viên, Văn phòng công chứng thì hình ảnh chính là biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, còn có những trường hợp giả danh chủ sở hữu tài sản để thực hiện giao dịch để qua mặt Công chứng viên nhằm lừa đảo. Những người này thường ngại chụp ảnh hoặc xuất hiện trong khung hình với Công chứng viên. Khi họ có những biểu hiện bất thường, Công chứng viên sẽ cẩn trọng hơn hoặc rà soát lại hồ sơ, tránh bị lợi dụng. Đồng thời, hình ảnh này cũng có thể phục vụ cho quá trình điều tra, xử lý và hạn chế được trách nhiệm của chính Công chứng viên, Văn phòng công chứng

Tuy nhiên, theo ông Chỉnh, thực tế quá trình triển khai cho thấy còn có một số vướng mắc về chụp ảnh khi công chứng cần được cơ quan chức năng hướng dẫn để các tổ chức công chứng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Đó là có những trường hợp không thể chụp ảnh với những người đang bị tạm giam, tạm giữ, chấp hành thi hành án phạt tù hay những người đang làm nhiệm vụ tại các cơ quan như công an, quân đội do có nơi cấm mang các trang thiết bị ghi âm, ghi hình vào. Vì vậy, trong trường hợp này, một số tổ chức hành nghề công chứng phải vận dụng thay vì chụp hình, quay phim thì xin văn bản xác nhận của các cơ quan này để bổ sung hồ sơ công chứng; song đây chỉ là giải pháp tạm thời.Theo Công chứng viên Lê Quang Bắc, Trưởng Văn phòng công chứng Lê Quang Bắc (xã Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa): Việc chụp ảnh khi công chứng mang lại nhiều lợi ích cụ thể như: tăng tính minh bạch, phòng ngừa rủi ro, và hỗ trợ giải quyết tranh chấp, đồng thời tăng độ an tâm và tin tưởng đối với các bên tham gia giao dịch.

Theo đó, ảnh chụp giúp xác minh danh tính người ký, thời điểm và địa điểm công chứng, đồng thời tạo thêm bằng chứng cho các giao dịch. Đây là bằng chứng rõ ràng về việc người yêu cầu công chứng đã trực tiếp ký vào văn bản trước mặt công chứng viên, giúp loại bỏ nghi ngờ về việc làm giả chữ ký hoặc các hành vi gian lận khác.

Trong bối cảnh các hình thức làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, thì việc chụp ảnh cũng giúp hạn chế các rủi ro liên quan đến giả mạo, tranh chấp sau này.

Mặt khác, Công chứng viên Quang Bắc chỉ ra, nếu có tranh chấp xảy ra, ảnh chụp có thể được sử dụng như một bằng chứng quan trọng để đối chiếu, xác minh, và hỗ trợ quá trình giải quyết vụ việc. Đồng thời, việc chụp ảnh thể hiện sự chuyên nghiệp, minh bạch của quy trình công chứng, giúp các bên tham gia giao dịch cảm thấy an tâm và tin tưởng hơn.

“Việc chụp ảnh khi công chứng là một quy trình hợp lý, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan công chứng, góp phần xây dựng một môi trường công chứng an toàn, minh bạch và tin cậy”, ông Bắc nói.

cong-chuc-quang-bac-9857.jpg

Công chứng viên Lê Quang Bắc, Trưởng Văn phòng công chứng Lê Quang Bắc (áo xanh). (Ảnh: TH)

Ông Bắc cũng thông tin thêm, về cơ bản người dân khi đi công chứng đều đồng tình với quy định này. Khi gặp trường hợp khách hàng chưa quen với việc chụp hình ảnh hay không muốn hình ảnh của mình đang giao dịch bị người khác biết, các Công chứng viên đều giải thích rõ cho khách hàng việc chụp ảnh chỉ để lưu trữ trong hồ sơ, không công khai và hình ảnh là bí mật nghề nghiệp nên khách hàng đã yên tâm thực hiện.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thị Thu Hà (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc chụp ảnh khi công chứng không chỉ tăng cường tính minh bạch, mà còn là bằng chứng khách quan để xác định rõ người tham gia giao dịch công chứng. Đây là một bước đi cần thiết giúp ngăn chặn hiệu quả trong bối cảnh các hành vi giả mạo, lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người yêu cầu công chứng và công chứng viên. Điều này không chỉ giúp các bên tránh việc chối bỏ trách nhiệm sau khi giao kết, hình ảnh còn có giá trị làm chứng cứ trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng, qua đó góp phần tăng cường kỷ cương pháp luật và bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự.

Có thể thấy, việc đưa quy định chụp ảnh khi công chứng vào Luật Công chứng 2024 không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mà khi được triển khai đồng bộ, đúng mục đích, sẽ góp phần tạo dựng niềm tin của người dân vào hoạt động công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, thương mại và giảm thiểu tối đa tranh chấp phát sinh trong thực tiễn.

THU HẰNG

Quảng cáo 2